Không chỉ là tuyến vận tải du lịch, tàu cao tốc hiện nay còn là hành trình trải nghiệm kết nối những điểm đến du lịch
biển đảo từ Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long ra các tuyến đảo của huyện Vân Đồn và Cô Tô.
Tàu cao tốc xuất bến Cái Rồng (huyện Vân Đồn).
Quảng Ninh có 250km bờ biển với 727,4km luồng đường thủy nội địa, nhiều đảo có dân cư sinh sống nên nhu cầu phát triển
cảng, bến phục vụ vận tải đường thủy nội địa rất lớn. Trên địa bàn tỉnh có 131 cảng, bến thủy nội địa được Nhà nước quản
lý, trong đó, Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực I quản lý 41 cảng, bến thủy nội địa; Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng
Ninh quản lý 90 cảng. Trong thời gian qua, hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển về số
lượng, chất lượng và đã có tác động tích cực trong việc vận chuyển người dân, du khách và hàng hóa, phục vụ phát triển
kinh tế – xã hội của tỉnh.
Quảng Ninh cũng có khoảng gần 10.000 phương tiện thủy hoạt động, trong đó có những tuyến chở khách từ cảng Tuần Châu
sang Cát Bà, Cô Tô, từ cảng Hòn Gai đi Ngọc Vừng, Quan Lạn, từ cảng Vũng Đục đi Cô Tô, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Quan Lạn,
từ cảng Cái Rồng đi các tuyến đảo của huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô (gồm đảo Cô Tô lớn và đảo Thanh Lân). Tuy nhiên,
trước đây, các tàu ra tuyến đảo chưa hiện đại, thậm chí vẫn còn tàu gỗ chở khách ra đảo.
Thêm nữa, tàu đưa khách du lịch ra đảo Cô Tô chủ yếu là phương tiện nhỏ, công suất khai thác thấp, mỗi khi mưa bão
thường không thể hoạt động được, dẫn đến hiện tượng khách du lịch ùn tắc trên đảo, gây ra những áp lực về việc cung ứng
điện, nước sinh hoạt cũng như an ninh trật tự trên đảo. Hoạt động vận tải hành khách ra các tuyến đảo chủ yếu tập trung
từ cảng Cái Rồng, Vân Đồn, cảng Vũng Đục, Cẩm Phả, còn tại thành phố thủ phủ Hạ Long chưa có tuyến ra các đảo bởi chất
lượng phương tiện không đáp ứng được quãng đường di chuyển xa, thời gian kéo dài, khiến du khách ít khi lựa chọn.
Trong khi đó, sở hữu nhiều tài nguyên du lịch biển, Quảng Ninh được đánh giá là trung tâm du lịch biển hấp dẫn nhất miền
Bắc. Tuy nhiên, những năm qua điều kiện kết nối giữa các điểm đến du lịch lại khá khó khăn, chủ yếu hoạt động đưa khách
du lịch tham quan trong phạm vi bó hẹp. Điều này đã gây cản trở trong việc hình thành nên chuỗi sản phẩm du lịch mới,
đẳng cấp, hấp dẫn du khách, hiệu quả khai thác lợi thế về du lịch chưa đúng với tiềm năng vốn có.
Hành trình biển đảo là những trải nghiệm thú vị cho du khách đi tàu cao tốc.
Để giải quyết những điểm nghẽn trên, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên ban tặng nhằm phục vụ
du lịch, nhiều tàu cao tốc cỡ lớn chịu được gió cấp 7 đã được đưa vào vận hành. Đơn cử như hệ thống tàu Tuần Châu
Express đưa vào hoạt động đã kết nối Vịnh Hạ Long (Hạ Long) – Vịnh Bái Tử Long (Vân Đồn) – Cô Tô và tuyến thứ hai kết
nối cảng Cái Rồng (Vân Đồn) với Cô Tô.
Trải nghiệm hành trình trên Tuần Châu Express, du khách sẽ được ngắm hàng ngàn đảo đá, đảo đất, bãi cát trắng, khu sinh
thái biển trên di sản Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long như một chuyến tham quan vịnh. Du khách cũng có sự so sánh sự khác
biệt giữa biển đảo Hạ Long, Bái Tử Long với biển Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng và Cô Tô.
Tàu cao tốc cập cảng Cô Tô.
Như vậy, tàu cao tốc không chỉ kết nối di sản Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, các tuyến đảo của Vân Đồn và Cô Tô trong một
hành trình mà còn đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ du lịch, đảm bảo an toàn du khách về đất liền
ngay cả trong những ngày mưa bão.
Nguồn: Huỳnh Đăng ( http://baoquangninh.com.vn/du-lich/202105/ket-noi-du-lich-bien-dao-tu-tau-cao-toc-2531436/ )